Làm thế nào kích thích phát triển ngôn ngữ ở trẻ?

| Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2011
Cháu nhà tôi vừa tròn 9 tháng nhưng vẫn chưa nói được những từ đơn giản như baba hay mama. Tôi rất lo là bé chậm nói và sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển về sau của bé.

Gần đây, qua nhiều tài liệu, thông tin, tôi được biết rằng trí não của trẻ phát triển từ rất sớm, và cần phải kích thích trí thông minh cho trẻ ngay từ những ngày còn nhỏ. Nhưng tôi không biết nên bắt đầu từ bao giờ là thích hợp nhất? 9 tháng tuổi thì bé đã có thể tiếp thu được những gì? Với trường hợp của cháu, tôi phải làm như thế nào để cải thiện tình trạng chậm nói này?

Nhờ bác sĩ chỉ giúp. Xin cảm ơn. (Lê Thị Nhàn, Đông Anh, Hà Nội)

Trả lời:

Con bạn mới 9 tháng chưa thể xác định là chậm nói, thông thường từ đầu tiên mà trẻ có thể nói là khoảng 10-15 tháng. Với độ tuổi của con bạn, những mốc đánh giá ngôn ngữ ngoài việc nói được những âm đơn giản như: baba, mama còn có rất nhiều tiêu chí khác như: gia tăng sự chú ý lời nói, đáp lại với những yêu cầu đơn giản bằng lời nói, đáp ứng với tiếng “không”, sử dụng cử chỉ đơn giản như lắc đầu để nói “không”, cúi đầu “chào”, vẫy tay “tạm biệt”, bập bẹ những âm riêng của bé, gia tăng sự bắt chước những âm từ ngữ của người lớn. Tuy nhiên, mỗi bé sẽ có tốc độ phát triển khác nhau, ngoài những tiêu chí cơ bản trên bạn có thể tác động tại nhà giúp bé phát triển ngôn ngữ.

Có rất nhiều cách đơn giản tại nhà kích thích sự phát triển ngôn ngữ nói riêng và não bộ nói chung cho lứa tuổi của con bạn như:

- Đọc sách (có hình rõ mặt hoặc đồ vật quen thuộc, ít chữ ): mỗi ngày 5 -10 phút.

- Giúp bé chỉ vào hình ảnh, nói tên người quen, tên đồ vật, kèm tiếng kêu - hành động tương ứng

- Dạy trẻ vẫy tay “bye bye” và lắc đầu “không”, nói “có”.

- Chơi trò ê a với trẻ, khởi đầu bằng những âm của chính trẻ như “a...a....a”, sau đó sẽ dạy trẻ nói dựa trên những âm mà trẻ phát âm được như “ạ”, “ba ba”... theo nguyên tắc những gì trẻ nghe, những gì trẻ nói phải phù hợp với những gì trẻ thấy.

- Hát các bài hát đơn giản cho trẻ nghe, có thể vừa hát vừa làm một vài động tác như vỗ tay trẻ theo điệu nhạc để làm cho trẻ hứng thú.

- Chú ý đến nhịp điệu, giọng nói và tính khí của con bạn, đáp ứng ngay khi trẻ gặp khó khăn, việc đáp ứng kịp thời của bạn sẽ giúp cho trẻ biết điều khiển được âm điệu của mình theo đúng cảm xúc, chứ không lập lại ngôn ngữ như một máy ghi âm hay lập lại cho qua chuyện, cho vui lòng bạn.

- Nếu bạn nói một ngoại ngữ hãy dùng ngoại ngữ đó tại nhà, các nhà ngôn ngữ vẫn khuyên tránh hiện tượng trộn lẫn ngôn ngữ, nghĩa là chưa kịp hiểu hết ngôn ngữ này đã phải học ngôn ngữ khác. Học nhiều ngôn ngữ trong khi chưa có một ngôn ngữ nền, chưa có một ngôn ngữ chính sẽ dẫn tới “ngộ độc ngôn ngữ” là một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm nói.

Bác sĩ Thái Thanh Thủy
Trưởng khoa tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 2

0 comments:

Đăng nhận xét