Bất động sản "chết" còn vì... thuế

| Thứ Hai, 1 tháng 8, 2011
Thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài thời gian qua, ngoài nguyên nhân siết tín dụng, nền kinh tế khó khăn, các chuyên gia, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này còn cho rằng “thủ phạm” chính là ngành thuế.

Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thuế đất bất hợp lý đã khiến hầu hết các giao dịch về chuyển nhượng dự án, đất nền, căn hộ… bị đình đốn, do ngành thuế không xác định được mức thuế cũng như việc thẩm định giá đất.
Lúng túng với giá thị trường

Do khó khăn về vốn không thể triển khai dự án, trong khi đó, nhiều khu chung cư đang triển khai không bán được, một công ty bất động sản tại TP.HCM đã quyết định chuyển nhượng bớt một số khu đất để lấy tiền vượt qua thời kỳ khó khăn. Tuy nhiên, điều oái oăm là vị trí khu đất rất đẹp tại quận 2 có giá tốt, nhiều đối tác quan tâm, nhưng bán hoài không được. Nguyên nhân là do quy định về việc xác định giá đất theo giá trị thị trường theo quy định tại Nghị định 69 rất khó thực hiện, quá lâu, trong khi đối tác không thể chờ.
Theo lãnh đạo công ty này, nếu trước đây, tiền sử dụng đất khi doanh nghiệp đóng cho nhà nước được xác định dựa trên bảng giá đất mà UBND tỉnh, thành phố ban hành hằng năm, thì nay họ phải đóng tiền sử dụng đất theo giá thị trường. Trong khi đó, ngay cả các cơ quan chức năng cũng lúng túng trong việc xác định đâu là giá thị trường.

Không những thế, việc phải đóng tiền sử dụng đất theo giá thị trường khiến doanh nghiệp không thể kham nổi vì giá quá cao. “Khu đất của chúng tôi thương lượng đền bù với người dân giá là 5 triệu đồng một m2, nay phải đóng thêm một khoản tiền thuế sử dụng đất tương đương nữa thì đào đâu ra trong lúc khó khăn này”, vị này nói.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc công ty Địa ốc Đất Lành, cho rằng, việc xác định giá đất theo giá thị trường nói dễ nhưng làm khó, bởi khi thuê đơn vị thẩm định giá vào xác định giá đất thì mỗi công ty “phán” một giá khác nhau. “Cùng một khu đất nhưng mỗi công ty ra một giá khác nhau, vậy doanh nghiệp biết căn cứ vào đâu để đóng. Điều này cũng khiến nảy sinh nhiều tiêu cực, có khi Nhà nước thất thu thuế, khi doanh nghiệp bắt tay với đơn vị thẩm định giá”, ông Đực nói.

Phó tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình, Lê Quốc Duy cho biết, nhiều doanh nghiệp hiện nay muốn chuyển nhượng lại dự án, lấy tiền quay vòng vốn cũng không xong bởi những vướng mắc đã nêu ở trên. “Doanh nghiệp có thể chấp nhận chính sách siết tín dụng vào bất động sản, chấp nhận việc giảm giá bán vì lâu nay vẫn có nhiều dự án mua một bán mười… nhưng không thể chấp nhận được việc muốn chuyển nhượng dự án nhằm vượt qua thời kỳ khó khăn cũng không được”, ông Duy bức xúc.

Khó mua, khó bán

Theo thông tin từ ngành thuế TP.HCM, hiện nay có hàng nghìn hồ sơ xin chuyển nhượng hợp đồng góp vốn mua căn hộ, đất nền tại TP.HCM đã nộp cho cơ quan thuế không được giải quyết, do thông tư 12 quy định việc đóng thuế TNCN từ chuyển nhượng bất động sản chưa rõ ràng. Thậm chí nhiều trường hợp mặc dù bán lỗ nhưng vẫn phải đóng thuế TNCN cao ngất.

Điển hình như trường hợp của bà L. đã nhận được thông báo nộp thuế bán một căn hộ ở quận 2 với số tiền phải nộp là 21,6 triệu đồng, trong khi số tiền chênh lệch thu được từ chuyển nhượng căn hộ chỉ gần 6 triệu đồng. Thê thảm hơn khi nhiều người mua nhà, nay kẹt tiền không thể thanh toán theo tiến độ, đành bán lỗ so với giá gốc nhưng vẫn phải đóng thuế TNCN.

Như anh Thanh, hiện đang ôm căn hộ hơn 100 m2 ở dự án Saigon Pearl (quận Bình Thạnh), năm 2008 anh mua căn hộ ở đây với giá 3.200 USD một m2, sau đó chủ đầu tư giảm xuống còn 2.600 USD, hiện nay anh đang rao bán 2.200 USD. Mặc dù bán lỗ nhưng vẫn bị đè đóng thuế TNCN 2% trên tổng giá mua. “Thị trường bất động sản đang khó khăn, nhiều người do vay ngân hàng mua nhà với lãi suất cao hoặc do không đủ khả năng đóng tiếp đành phải bán để cắt lỗ, nhưng mức thuế TNCN lại đóng cao hơn thời gian trước”, anh Thanh bức xúc.

Đối với những người mua căn hộ còn “hên” vì được đóng thuế vì hầu hết những người mua đất nền muốn bán cũng không được do ngành thuế ngâm hồ sơ không quyết định cụ thể mức thuế bao nhiêu, 2% trên tổng giá trị nền đất hay 25% trên lợi nhuận. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do thông tư 12 đã “quên” hướng dẫn nộp thuế TNCN đối với trường hợp chuyển nhượng đất nền.

Theo ông Duy, trong lúc thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn như hiện nay mà gặp thêm quy định khắt khe như vậy càng khiến người dân và doanh nghiệp thêm khổ. “Một khi chính sách làm cho thị trường này chạy không êm sẽ phải điều chỉnh cho hợp lý hơn”, ông Duy đề xuất.

0 comments:

Đăng nhận xét